ĐIỀU LỆ HỘI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC
Chương I
Tên gọi, tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động và tư cách pháp nhân
Điều 1: Tên gọi
Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc là tổ chức xã hội tập hợp các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc công dân Việt Nam và công dân Hàn Quốc gốc Việt Nam đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc khởi nghiệp tại Hàn Quốc.
Tên tiếng Việt: “Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc”
Tên tiếng Anh: “Business Association of Vietnamese in Korea”; tên tiếng Hàn: “주한 베트남 경영 협회”
Tên viết tắt: BAViK
Điều 2: Tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động
1. Tôn chỉ, mục đích: Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc (gọi tắt là Hội) là tổ chức tập hợp các doanh nghiệp, doanh nhân hoặc công dân Việt Nam và công dân Hàn quốc gốc Việt Nam đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc khởi nghiệp tại Hàn Quốc. Hội hoạt động với tôn chỉ huy động trí tuệ và sức mạnh tập thể của các doanh nghiệp, doanh nhân, công dân Việt Nam hoặc doanh nhân, công dân Hàn Quốc gốc Việt Nam vì lợi ích của Hội, lợi ích của các Hội viên và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, vì quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam – Hàn Quốc và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.
2. Nguyên tắc hoạt động:
– Hội hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, đảm bảo dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, đoàn kết và mọi quyết định của Hội sẽ tuân theo nguyên tắc phục tùng ý kiến đa số quá bán.
– Hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, tự đảm bảo kinh phí dựa trên phí Hội viên và các hình thức huy động tài chính khác.
– Hội hoạt động dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, được Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài chuẩn y; hoạt động của Hội có sự phối hợp chặt chẽ với các hội đoàn trong cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc (Hội người Việt, Hội Phụ nữ, Hội Sinh viên, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam tại Hàn Quốc, Hội Từ thiện…) nhằm phát triển cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc ngày càng vững mạnh.
– Hội tuân thủ các quy định của pháp luật về tổ chức hội đoàn của Hàn Quốc và Việt Nam; Hội tuyệt đối không tiến hành các hoạt động xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc Việt Nam.
Điều 3: Tư cách pháp nhân của Hội
1. Hội là tổ chức xã hội phi lợi nhuận được thành lập và tuân thủ theo các quy định của pháp luật Hàn Quốc, pháp luật Việt Nam và Điều lệ của Hội.
2. Hội có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật Hàn Quốc, được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chuẩn y và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc bảo trợ hoạt động.
3. Hội có trụ sở, logo, tài sản, con dấu và tài khoản riêng.
Chương II
Chức năng, phạm vi và lĩnh vực hoạt động của Hội
Điều 4: Chức năng của Hội
1. Đại diện cho các doanh nghiệp, doanh nhân, cá nhân là Hội viên của Hội trong các mối quan hệ với Chính phủ, các tổ chức và các bên liên quan tại Hàn quốc và quốc tế nhằm đảm bảo công bằng trong thương mại và cạnh tranh; làm trung gian hoà giải và thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi, thúc đẩy lợi ích chính đáng, hợp pháp của Hội viên; đề xuất, tham gia góp ý vào việc xây dựng quy định, chính sách nhằm tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn cho các Hội viên theo quy định của Điều lệ Hội và của pháp luật.
2. Hỗ trợ thúc đẩy phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh của Hội viên thông qua các hoạt động cung cấp thông tin về thị trường, chia sẻ kinh nghiệm; tổ chức các khoá đào tạo, hội thảo chuyên đề nhằm cung cấp, cập nhật kiến thức và cải thiện kỹ năng cho các Hội viên; xây dựng mối quan hệ và hỗ trợ kết nối Hội viên với các đối tác trong và ngoài Hàn Quốc giúp tạo ra những cơ hội sản xuất, kinh doanh mới cho các Hội viên.
3. Xây dựng mối quan hệ đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội viên; thúc đẩy chất lượng và đạo đức kinh doanh giúp bảo vệ và nâng cao uy tín, vị thế của Hội cũng như các Hội viên.
Điều 5: Hoạt động kinh tế, thương mại, công nghệ, dịch vụ và du lịch
1. Triển khai các hoạt động hỗ trợ các Hội viên tích cực tham gia vào hoạt động trên các lĩnh vực bao gồm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ tại Hàn Quốc; xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng đã qua tinh chế của Việt Nam vào thị trường Hàn Quốc mà Việt Nam có thế mạnh như các mặt hàng nông lâm thủy sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ,…; tập trung hỗ trợ đầu tư khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, công nghệ mới nổi và thúc đẩy chuyển giao công nghệ cao vào Việt Nam.
2. Thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong những lĩnh vực ngành nghề Việt Nam đang ưu tiên phát triển như chế biến nông lâm thủy sản, xây dựng, công nghệ cao hoặc đầu tư chuyển giao công nghệ; kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp tại Hàn Quốc.
– Quảng bá hình ảnh đất nước, con người, môi trường đầu tư, các cơ hội kinh doanh, du lịch… tại Việt Nam.
– Đại diện tiếng nói doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các Hội viên nói riêng, kiến nghị lên các cơ quan địa phương, chính phủ Hàn Quốc nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam hoạt động hiệu quả, bình đẳng tại Hàn Quốc.
– Triển khai các hoạt động thúc đẩy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy xu hướng ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) trong hoạt động doanh nghiệp.
3. Căn cứ tôn chỉ, mục đích thành lập, Hội xem xét, lựa chọn ký các thỏa thuận hợp tác (MOU) với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc nhằm mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động của Hội có chiều sâu và thực chất.
Điều 6: Hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp
1. Tăng cường kết nối với các tổ chức, cá nhân là các nhà đầu tư, nhà tư vấn, đối tác tiềm năng cho Hội viên. Tổ chức các sự kiện tiếp xúc, kết nối, đào tạo giúp các Hội viên nâng cao kỹ năng và kiến thức về kinh doanh, hiểu biết về thị trường Hàn quốc và tìm kiếm cơ hội hợp tác, khởi nghiệp tại Hàn Quốc.
2. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm nguồn vốn, tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, chính sách của tổ chức, chính phủ Hàn Quốc đối với các dự án khởi nghiệp của doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam; học hỏi tiếp thu kinh nghiệm của Hàn Quốc trong việc hỗ trợ và thúc đẩy các dự án khởi nghiệp.
Điều 7: Xây dựng và phát triển Hội
1. Tạo môi trường đoàn kết, cùng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm và cùng phát triển; trong phạm vi và khả năng có thể, tích cực hỗ trợ giúp đỡ các thành viên của Hội vượt qua hoàn cảnh khó khăn để ổn định và phát triển hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hàn Quốc.
2. Tích cực và không ngừng phát triển Hội nhằm thu hút đông đảo doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và gốc Việt Nam đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp tại Hàn Quốc tham gia Hội.
Chương III
Cơ cấu tổ chức của Hội
Điều 8: Đại hội Đại biểu Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc
1. Đại hội Đại biểu của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc là cơ quan quyền lực cao nhất của Hội, có quyền bầu và bãi nhiệm các thành viên Ban Chấp hành Hội, tiến hành sửa đổi Điều lệ Hội theo nguyên tắc đa số quá bán.
2. Trong trường hợp đột xuất cần triệu tập Đại hội bất thường, Ban Chấp hành Hội tiến hành họp và quyết định dựa trên biểu quyết theo nguyên tắc đa số quá bán.
Điều 9: Ban Chấp hành Hội
1. Ban Chấp hành Hội là cơ quan điều phối và chủ trì các hoạt động của Hội trong thời gian giữa các nhiệm kỳ Đại hội; nhiệm kỳ của Ban chấp hành được tính theo nhiệm kỳ Đại hội của Hội (3 năm).
2. Ban Chấp hành Hội có nhiệm vụ, quyền hạn trong khen thưởng, đề xuất khen thưởng, kỷ luật, kết nạp hội viên mới và khai trừ hội viên vi phạm Điều lệ Hội.
3. Cơ cấu Ban Chấp hành Hội bao gồm 01 Chủ tịch, 01 Tổng thư ký và 05 Phó Chủ tịch gồm 01 Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Đối ngoại và Truyền thông; 01 Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Đầu tư; 01 Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tài chính; 01 Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tổ chức và Phát triển Hội; 01 Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Kiểm tra và Giám sát; Ban Cố vấn của Hội (thành viên Ban cố vấn không nhất thiết phải là doanh nhân, số lượng thành viên Ban cố vấn do Ban Chấp hành quyết định).
Điều 10: Các Ban chuyên môn của Hội và các Chi hội cơ sở
1. Ban Đối ngoại và Truyền thông có chức năng quản lý và thực hiện công tác đối ngoại, truyền thông. Ban có nhiệm vụ xây dựng và triển khai các kế hoạch, chiến lược đối ngoại nhằm phát triển mối quan hệ với chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp và báo chí Hàn quốc và quốc tế; Quản lý thông tin và truyền đạt đến các Hội viên nhằm đảm bảo các Hội viên hiểu rõ chiến lược, mục tiêu của Hội; Xây dựng và quản lý thương hiệu của Hội, đảm bảo hình ảnh thương hiệu phản ánh đúng giá trị và thông điệp của Hội; Tổ chức các sự kiện của Hội; Đánh giá hiệu quả truyền thông để điều chỉnh chiến lược và xử lý các tình huống khủng hoảng truyền thông..
2. Ban Đầu tư có chức năng hỗ trợ, xúc tiến và kết nối thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ từ Hàn Quốc vào Việt Nam và ngược lại; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; tiến hành các hoạt động, hội thảo, xúc tiến thu hút du lịch; chủ trì và phối hợp với Ban Đối ngoại và Truyền thông, Ban Tổ chức, Ban Tài chính để tiến hành các sự kiện ký kết MOU với các đối tác Hàn Quốc và Việt Nam.
3. Ban Tài chính có chức năng quản lý và kiểm soát tài chính của Hội nhằm đảm bảo các hoạt động của Hội được thực hiện một cách hiệu quả và bền vững. Ban có nhiệm vụ lập kế hoạch tài chính hàng năm và dài hạn của Hội, đảm bảo Hội có một kế hoạch tài chính ổn định để phát triển; Quản lý quỹ Hội, đảm bảo việc thu, chi từ quỹ Hội được minh bạch, tuân thủ tất cả các luật, các quy định tài chính và Điều lệ Hội và thực hiện báo cáo định kỳ cho Ban Chấp hành, báo cáo trước Đại hội Đại biểu Hội về tình hình thu chi tài chính của Hội theo nhiệm kỳ và hàng năm.
4. Ban Tổ chức và Phát triển Hội có chức năng tiến hành các sự kiện đào tạo kiến thức thị trường, các kiến thức, kinh nghiệm về đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Hàn Quốc; phối hợp với Ban Kiểm tra và Giám sát làm trọng tài, hòa giải trong các vụ việc mâu thuẫn, xung đột liên quan đến Hội viên của Hội; Chủ trì và phối hợp với Ban Kiểm tra và Giám sát trong công tác thi đua khen thưởng và kỷ luật; Phối hợp với Ban Cố vấn, tiến hành các hoạt động hỗ trợ hành chính, pháp lý thành lập doanh nghiệp; Phối hợp và tích cực hỗ trợ các cá nhân người Việt Nam và người Hàn Quốc gốc Việt Nam khởi nghiệp tại Hàn Quốc.
5. Ban Kiểm tra và Giám sát có chức năng kiểm tra giám sát tư cách Hội viên; phối hợp với Ban Tổ chức và Phát triển Hội trong công tác thi đua khen thưởng, kỷ luật; Tiến hành các biện pháp kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính và các hoạt động khác của Hội một cách độc lập, khách quan và công tâm; Chủ trì và phối hợp với Ban Tổ chức và Phát triển Hội trong công tác trọng tài, hòa giải để giải quyết các mâu thuẫn trong Hội và giữa các hội viên. Để đảm bảo tính khách quan, công tâm, Trưởng Ban Giám sát sẽ được Ban Chấp hành Hội bầu theo nguyên tắc đa số tuyệt đối.
6. Các Chi hội cơ sở tại các địa phương là một bộ phận của Hội, được thành lập trên cơ sở tự nguyện và là tổ chức đại diện cho các doanh nghiệp, doanh nhân, người kinh doanh nhỏ Việt Nam hoặc gốc Việt Nam tại một địa phương của Hàn Quốc hoặc theo một nhóm ngành nghề cụ thể và được Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc chuẩn y Ban Chấp hành Chi hội. Hoạt động của các Chi hội cơ sở không trái với tôn chỉ, mục đích của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc.
Điều 11: Chủ tịch Hội
1. Tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội: Là người có uy tín trong cộng đồng và nhận được tín nhiệm cao của các Hội viên; có tư cách đạo đức tốt, tinh thần làm việc khách quan vì cộng đồng, không vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm; có kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp và lãnh đạo tổ chức; có năng lực quy tụ, tập hợp sức mạnh tập thể đoàn kết và công bằng; có tâm huyết đối với sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cộng đồng người Việt Nam nói chung; có thể là chủ doanh nghiệp hoặc không phải là chủ doanh nghiệp.
2. Chủ tịch Hội đồng thời là người đứng đầu Ban Chấp hành Hội, được bầu trong số 07 thành viên của Ban Chấp hành Hội, nhiệm kỳ 3 năm tính theo nhiệm kỳ của Đại hội và giới hạn không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Chủ tịch Hội được các thành viên của Ban Chấp hành Hội bầu chọn trên nguyên tắc đa số quá bán.
3. Chủ tịch Hội chịu trách nhiệm chung về hoạt động của Hội và trực tiếp phụ trách lĩnh vực đối ngoại, đầu tư, sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, công tác tổ chức, kỷ luật và khen thưởng.
4. Chủ tịch có nhiệm vụ, quyền hạn triệu tập Hội nghị bất thường của Hội; triệu tập và chủ trì Hội nghị của Ban Chấp hành Hội, là đại diện cao nhất của Hội trong các hoạt động đối ngoại, hợp tác với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp của Hàn Quốc và Việt Nam.
Điều 12: Tổng thư ký Hội
1. Tiêu chuẩn của Tổng thư ký: Là người có uy tín trong cộng đồng và nhận được tín nhiệm cao của các Hội viên; có tư cách đạo đức tốt, minh bạch rõ ràng, không vì lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, có kinh nghiệm và khả năng tổ chức, lãnh đạo tập thể; không phải là chủ doanh nghiệp và không bắt buộc phải là doanh nhân đang trực tiếp tham gia đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Hàn Quốc.
2. Tổng thư ký Hội được bầu trong số thành viên của Ban Chấp hành Hội trên nguyên tắc đa số quá bán; nhiệm kỳ của Tổng thư ký theo nhiệm kỳ của Đại hội (3 năm) và không giới hạn nhiệm kỳ.
3. Tổng thư ký trực tiếp phụ trách lĩnh vực tài chính, khởi nghiệp, phát triển Hội, công tác kiểm tra và giám sát; chủ trì đề xuất kết nạp thành viên mới của Hội, có quyền hạn đề xuất triệu tập cuộc họp bất thường của Ban Chấp hành Hội.
4. Tổng thư ký Hội phối hợp cùng Trưởng Ban Tài chính có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các kế hoạch, giải pháp đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động của Hội.
Điều 13: Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội và Tổng thư ký Hội
Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hội và Tổng thư ký Hội là mối quan hệ phối hợp, phân công, phân nhiệm, đoàn kết để phát triển Hội.
Chương IV
Hội viên, quyền và nghĩa vụ của các Hội viên
Điều 14: Hội viên và tiêu chuẩn của Hội viên
1. Hội viên của Hội là doanh nghiệp, doanh nhân hoặc công dân Việt Nam và công dân Hàn quốc gốc Việt Nam đang đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc khởi nghiệp tại Hàn Quốc
2. Hội viên của Hội không có hành vi vi phạm pháp luật Hàn Quốc và pháp luật Việt Nam; tán thành và chấp hành nghiêm túc Điều lệ Hội, có ý thức giữ gìn danh dự, uy tín của Hội.
3. Có Đơn xin gia nhập Hội, được Ban Chấp hành Hội quyết định thông qua biểu quyết theo đa số quá bán; tích cực tham gia các hoạt động của Hội.
Điều 15: Quyền lợi và nghĩa vụ của Hội viên
1. Được tham gia đầy đủ các hoạt động của Hội; được thảo luận, biểu quyết bầu chọn Ban Chấp hành Hội và chất vấn các hoạt động của Ban Chấp hành Hội.
2. Được quyền đề cử, ứng cử vào Ban Chấp hành Hội.
3. Được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Hội và các Hội viên trong phát triển đầu tư, sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp tại Hàn Quốc; được Hội hỗ trợ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong quá trình đầu tư, sản xuất, kinh doanh hoặc khởi nghiệp tại Hàn Quốc; được tham gia các chương trình, dự án, sự kiện do Hội tiến hành phù hợp với điều kiện năng lực của Hội viên.
4. Khi thấy việc tham gia Hội không đáp ứng nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp hoặc cá nhân, Hội viên có thể xin ra khỏi Hội (trừ trường hợp vi phạm và bị kỷ luật khai trừ khỏi Hội).
5. Tuân thủ pháp luật Hàn Quốc và Việt Nam, Điều lệ của Hội; không được tiến hành các hoạt động làm mất uy tín, danh dự của Hội hoặc lợi dụng danh nghĩa của Hội để phục vụ lợi ích cá nhân; có nghĩa vụ đóng hội phí đầy đủ.
Chương V
Chế độ thu chi tài chính của Hội
Điều 16: Nguồn thu tài chính của Hội
1. Đóng góp của Hội viên mới gia nhập (500.000 won) và phí Hội viên hàng năm (500.000 won/1 năm).
2. Sự đóng góp tự nguyện của các Hội viên và các nguồn thu hợp pháp khác của Hội (ví dụ: nguồn thu tiền hoa hồng từ các dự án xúc tiến đầu tư, du lịch, kinh doanh do Hội tham gia tư vấn, triển khai).
3. Hội khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân và cá nhân đóng góp tài chính cho hoạt động của Hội.
Điều 17: Các khoản chi của Hội
1. Chi cho hoạt động thường xuyên của Hội bao gồm chi phí duy trì hoạt động của trụ sở, chi phí cho hội họp, quà tặng đối tác.
2. Chi cho các hoạt động đối ngoại gồm chi quà tặng nhằm duy trì, phát triển quan hệ, chi mời cơm đối ngoại; chi quà tặng cho lãnh đạo cấp cao của Việt Nam khi đến thăm và làm việc tại Hàn Quốc.
3. Chi cho các hoạt động xã hội, đóng góp cho các hội đoàn trong cộng đồng, giúp đỡ các trường hợp khó khăn trong cộng đồng và các khoản chi khác do Ban Chấp hành Hội thống nhất và Chủ tịch Hội quyết định.
Điều 18: Nguyên tắc thu, tài chính
1. Việc thu chi tài chính phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, rõ ràng, chi đúng mục đích và hiệu quả; khi quyết định các khoản chi tài chính của Hội phải có sự đồng thuận và nhất trí của Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội và Phó Chủ tịch kiêm Trưởng Ban Tài chính và lưu đầy đủ hồ sơ phê duyệt, chứng từ thanh toán.
2. Định kỳ hàng năm, Ban Tài chính sao kê tài khoản và báo cáo thu chi tài chính cho các Hội viên, việc bàn giao tài chính giữa Ban Chấp hành cũ và mới của Hội phải đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và minh bạch, tuân thủ pháp luật Hàn Quốc về sử dụng quỹ Hội. Ban Tài chính có trách nhiệm xây dựng quy chế chi tiêu tài chính của Hội theo từng nhiệm kỳ.
Chương VI
Trụ sở, địa chỉ liên hệ và logo của Hội
Điều 19: Trụ sở Hội
Hội Doanh nhân Việt Nam tại Hàn Quốc có trụ sở tại: Seoul
Điều 20: Địa chỉ liên hệ của Hội
Địa chỉ email: [email protected]
Website: https://bavik.kr
Số điện thoại:
Điều 21: Logo của Hội
Logo của Hội được thiết kế mô phỏng từ một số yếu tố với ý nghĩa như sau:
- Cái bắt tay thể hiện sự tôn trọng, tin tưởng và hợp tác giữa Hội với các cá nhân, tổ chức đối tác.
- Trái tim thể hiện sự đam mê, tâm huyết trong mọi hoạt động của Hội.
- Hình Thái cực tượng trưng cho sự cân bằng giữa hiện đại và truyền thống, sự hài hoà giữa các yếu tố tương tác để có được một kết quả tối ưu.
- Kết hợp giữa hai màu Xanh – Đỏ: Với Việt Nam, màu đỏ tượng trưng cho tinh thần đấu tranh và quyết tâm đạt mục tiêu; với Hàn quốc, màu xanh tượng trưng cho sự phát triển bền vững, màu đỏ tượng trưng cho sự nhiệt tình, đam mê và may mắn.
Chương VII
Khen thưởng và kỷ luật
Điều 22: Khen thưởng và các hình thức khen thưởng
1. Khen thưởng Hội viên có nhiều thành tích đóng góp cho xây dựng, phát triển Hội, đóng góp và hỗ trợ có hiệu quả cho các Hội viên khác vượt qua khó khăn để đầu tư, phát triển kinh doanh tại Hàn Quốc và xúc tiến thu hút đầu tư vào Việt Nam; đóng góp thiết thực vào sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc.
2. Các hình thức khen thưởng gồm: Giấy khen, Bằng khen của Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc; Giấy khen, Bằng khen của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc; Giấy khen, Bằng khen của các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam.
Điều 23: Chấm dứt tư cách Hội viên, kỷ luật và khai trừ tư cách Hội viên của Hội
1. Hội viên sẽ bị kỷ luật hoặc khai trừ tư cách Hội viên khi vi phạm pháp luật Hàn Quốc hoặc pháp luật Việt Nam, vi phạm Điều lệ Hội, có những hành động làm tổn hại tới uy tín và danh dự của Hội. Tùy mức độ vi phạm sẽ có các hình thức khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ tư cách Hội viên và mức cao nhất là khai trừ tư cách Hội viên (nếu 2 lần chịu các mức kỷ luật trên).
2. Các trường hợp chấm dứt tư cách Hội viên:
– Bị mất năng lực hành vi dân sự.
– Bị mất tích hoặc tử vong
– Chuyển toàn bộ các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh ra khỏi Hàn quốc hoặc có đơn xin rút khỏi Hội với lý do chính đáng.
3. Hội viên bị khai trừ tư cách Hội viên khi có các vi phạm sau:
– Vi phạm pháp luật Hàn Quốc hoặc pháp luật Việt Nam; bị tòa án Hàn Quốc kết tội phạt tù hoặc trục xuất.
– Vi phạm nghiêm trọng Điều lệ, tôn chỉ, mục đích của Hội (sau khi bị kỷ luật 2 lần với các mức khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ tư cách Hội viên); xâm phạm đến lợi ích và an ninh quốc gia Việt Nam.
– Có những hành vi, hoạt động làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của Hội, lợi dụng danh nghĩa của Hội để thu vén lợi ích cá nhân, gây hậu quả nghiêm trọng đối với Hội.
Chương VIII
Điều khoản thi hành
Điều 24: Cơ cấu của Điều lệ Hội
Điều lệ Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Hàn Quốc gồm 8 chương, 25 điều quy định về tôn chỉ, mục đích, cơ cấu tổ chức, thu chi tài chính và tiêu chuẩn Hội viên của Hội, chấm dứt và khai trừ tư cách Hội viên.
Điều 25: Hiệu lực, sửa đổi bổ sung Điều lệ
1. Điều lệ Hội có hiệu lực kể từ khi Ban Chấp hành lâm thời chính thức thông qua ngày 21 tháng 10 năm 2023.
2. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội phải được thảo luận dân chủ, công khai và biểu quyết tại Đại hội Đại biểu của Hội theo nguyên tắc đa số quá bán 2/3.
TM. BAN CHẤP HÀNH LÂM THỜI
HỘI DOANH NGHIỆP VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC
CHỦ TỊCH